DMCA.com Protection Status
22/07/2024 | 277 |
0 Đánh giá

Để giúp tất cả các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nắm rõ được chính sách thuế, tự giác thực hiện đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế.Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn chế độ thuế và quản lý đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử như sau:

I. Hướng dẫn chế độ thuế và quản lý thuế đối với tổ chức kinh doanh được thành lập theo pháp luật Việt Nam

Các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Số thuế GTGT, thuế TNDN phải nộp đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử được xác định theo quy định của Pháp luật thuế GTGT, thuế TNDN như các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế theo phương pháp truyền thống.

II. Hướng dẫn chế độ thuế và quản lý thuế đối với tổ chức nước ngoài

 

Hướng dẫn chế độ thuế và quản lý thuế đối với tổ chức nước ngoài

1/ Trường hợp Nhà cung cấp nước ngoài trực tiếp đăng ký thuế, thực hiện kê khai nộp thuế: 

Nhà cung cấp nước ngoài trực tiếp đăng ký thuế, thực hiện kê khai nộp thuế theo quy định từ điều 73 đến điều 79 Thông tư 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.
Cụ thể:
a. Đăng ký thuế:

- Hồ sơ đăng ký thuế lần đầu: Nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký thuế trực tiếp theo mẫu số 01/NCCNN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư 80/2021/TT-BTC trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

- Hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế: Nhà cung cấp ở nước ngoài nộp hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế theo mẫu số 01-1/NCCNN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Nhà cung cấp ở nước ngoài sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử do cơ quan thuế quản lý cấp qua Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để xác thực khi đăng ký thuế.

b. Khai thuế của nhà cung cấp nước ngoài.

Nhà cung cấp nước ngoài thực hiện khai thuế trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử cơ quan thuế quản lý cấp và gửi hồ sơ khai thuế điện tử tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Như sau:

- Khai thuế đối với nhà cung cấp ở nước ngoài là loại thuế khai và nộp theo quý.

- Tờ khai thuế điện tử theo mẫu số 02/NCCNN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư 80/2021/TT-BTC .

c. Thuế GTGT, Thuế TNDN nhà cung cấp nước ngoài phải nộp.

Nhà cung cấp ở nước ngoài nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp tỷ lệ tính trên doanh thu.

c1) Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng là doanh thu mà nhà cung cấp ở nước ngoài nhận được.

c2) Doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp là doanh thu mà nhà cung cấp ở nước ngoài nhận được.

c3) Tỷ lệ phần trăm để tính thuế giá trị gia tăng trên doanh thu theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế giá trị gia tăng.

c4) Tỷ lệ phần trăm để tính thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

c5) Nguyên tắc xác định doanh thu phát sinh tại Việt Nam để kê khai, tính thuế như sau:

c5.1/ Các loại thông tin được sử dụng để xác định giao dịch của tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ phát sinh tại Việt Nam như sau:

- Thông tin liên quan đến việc thanh toán của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam, như thông tin về thẻ tín dụng dựa trên số nhận dạng ngân hàng (BIN), thông tin tài khoản ngân hàng hoặc các thông tin tương tự mà tổ chức, cá nhân mua hàng sử dụng để thanh toán với nhà cung cấp ở nước ngoài.

- Thông tin về tình trạng cư trú của tổ chức (cá nhân) tại Việt Nam (thông tin địa chỉ thanh toán, địa chỉ giao hàng, địa chỉ nhà hoặc các thông tin tương tự mà tổ chức (cá nhân) mua hàng khai báo với nhà cung cấp ở nước ngoài).

- Thông tin về truy cập của tổ chức (cá nhân) tại Việt Nam, như thông tin về mã vùng điện thoại quốc gia của thẻ SIM, địa chỉ IP, vị trí đường dây điện thoại cố định hoặc các thông tin tương tự của tổ chức, cá nhân mua hàng.

c5.2/ Khi xác định một giao dịch phát sinh tại Việt Nam để kê khai, tính thuế, nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện như sau:

- Sử dụng 02 thông tin không mâu thuẫn nhau bao gồm một thông tin liên quan đến việc thanh toán của tổ chức (cá nhân) tại Việt Nam và một thông tin về tình trạng cư trú hoặc thông tin về truy cập của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam nêu trên.

- Trong trường hợp liên quan đến việc thanh toán của tổ chức, cá nhân không thu thập được hoặc mâu thuẫn với thông tin còn lại, nhà cung cấp ở nước ngoài được phép sử dụng 02 thông tin không mâu thuẫn nhau bao gồm một thông tin về tình trạng cư trú và một thông tin về truy cập của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.

d. Trách nhiệm của nhà cung cấp nước ngoài

Nhà cung cấp nước ngoài có trách nhiệm lưu trữ các thông tin được sử dụng để xác định giao dịch của tổ chức, cá nhân mua hàng phát sinh tại Việt Nam theo quy định nêu trên để phục vụ công tác thanh, kiểm tra của cơ quan thuế. Việc lưu trữ thực hiện theo các quy định có liên quan của Luật Quản lý thuế.

e. Áp dụng miễn thuế, giảm thuế theo Hiệp định đối với nhà cung cấp nước ngoài

Trường hợp nhà cung cấp nước ngoài thuộc nước hoặc vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam thì thực hiện thủ tục miễn thuế, giảm thuế theo Hiệp định thuế theo quy định tại Điều 62 Thông tư 80/2021/TT-BTC .

f. Nộp thuế trực tiếp của nhà cung cấp ở nước ngoài

Đối với nhà cung cấp ở nước ngoài, sau khi nhận được mã định danh khoản phải nộp ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý trực tiếp thông báo, nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện nộp thuế bằng đồng ngoại tệ tự do chuyển đổi vào tài khoản thu ngân sách nhà nước theo thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, trong đó đảm bảo ghi đúng mã định danh khoản phải nộp ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý trực tiếp gửi.

g. Ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam của nhà cung cấp ở nước ngoài

Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện ủy quyền cho tổ chức, đại lý thuế hoạt động theo pháp luật Việt Nam (sau đây gọi là bên được ủy quyền), thì bên được ủy quyền có trách nhiệm thực hiện các thủ tục về thuế (đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế) theo hợp đồng đã ký với nhà cung cấp ở nước ngoài. Căn cứ vào phạm vi ủy quyền, trách nhiệm của mỗi bên quy định tại hợp đồng ủy quyền, bên được ủy quyền thực hiện thủ tục về thuế tương ứng quy định tại Điều 76, Điều 77 và Điều 78 Thông tư 80/2021/TT-BTC đối với nhà cung cấp ở nước ngoài.

2/ Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam có trách nhiệm khấu trừ thuế nộp thay cho nhà cung cấp nước ngoài.

Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài hoặc thực hiện phân phối hàng hóa, dịch vụ thay cho nhà cung cấp nước ngoài mà nhà cung cấp nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam thì tổ chức mua hàng hóa, dịch vụ hoặc phân phối hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp nước ngoài.
Số thuế khấu trừ và nộp thay cho nhà cung cấp nước ngoài thực hiện theo quy định tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/08/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam. Cụ thể

  • Thuế GTGT:

a. Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam: trường hợp hàng hóa đã kê khai nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu trên giá bán cho khách hàng tại Việt Nam thì không phải kê khai nộp thuế GTGT khâu nội địa.

b. Đối với dịch vụ cung cấp cho các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam:

Số thuế GTGT phải nộp bằng (=) Giá cung cấp dịch vụ nhân (X) tỷ lệ % thuế GTGT;

Biểu tỷ lệ % thuế GTGT tính trên doanh thu được xác định theo quy định tại khoản 2 điều 12 Thông tư số 103/2014/TT-BTC , cụ thể tỷ lệ % thuế GTGT: đối với cung ứng dịch vụ là: 5%;

  • Thuế TNDN

Số thuế TNDN phải nộp bằng (=) [Giá bán hàng hóa, dịch vụ trừ (-) thuế GTGT phải nộp] nhân (X) tỷ lệ % thuế TNDN;

Biểu tỷ lệ % thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế được xác định theo quy định tại khoản 2 điều 13 Thông tư số 103/2014/TT-BTC , cụ thể một số loại hàng hóa, dịch vụ:
Tỷ lệ % thuế TNDN: đối với cung cấp hàng hóa gắn với dịch vụ vận chuyển giao hàng tại Việt Nam là: 1%; đối với cung ứng dịch vụ là: 5%; đối với tiền bản quyền là 10%.

3/ Các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 30 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế.

Cá nhân có mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài mà nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại Điều 76, Điều 77, Điều 78, Điều 79 Thông tư 80/2021/TT-BTC thì ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay.

Tổng cục Thuế có trách nhiệm thông báo tên, địa chỉ website của nhà cung cấp nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế cho Hội sở chính của Ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Hội sở chính có trách nhiệm thông báo danh sách nhà cung cấp nước ngoài cho các chi nhánh của ngân hàng để các chi nhánh thực hiện kê khai, khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế khi thực hiện thanh toán cho các giao dịch với nhà cung cấp nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17/07/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh ngoại hối và pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh ngoại hối.

Trường hợp cá nhân có mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài có thanh toán bằng thẻ hoặc các hình thức khác mà ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không thể thực hiện khấu trừ, nộp thay thì ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và định kỳ ngày thứ 10 hằng tháng gửi về Tổng cục Thuế theo mẫu số 04/NCCNN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư 80/2021/TT-BTC .

III. Hướng dẫn chế độ thuế và quản lý thuế đối với cá nhân cư trú tại Việt nam

Cá nhân có phát sinh doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ tại Việt Nam (bao gồm doanh thu kinh doanh thương mại điện tử) trên 100 triệu đồng/năm thuộc đối tượng chịu thuế.

Xác định số thuế GTGT, số thuế TNCN phải nộp:
- Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x tỷ lệ % thuế GTGT.
- Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x tỷ lệ % thuế TNCN.

Doanh thu tính thuế GTGT, doanh thu tính thuế TNCN:

Là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN); doanh thu khác... mà hộ kinh doanh được hưởng.

Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu:

- Tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN áp dụng chi tiết đối với từng lĩnh vực, ngành nghề theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC .

- Trường hợp hộ kinh doanh hoạt động nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề. Trường hợp không xác định dược doanh thu tính thuế của tùng lĩnh vực, ngành nghề hoặc xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề theo quy định pháp luật về quản lý thuế.

1/ Kê khai nộp thuế Đối cá nhân có đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế theo phương pháp kê khai. (Hộ kinh doanh nộp thuế theo kê khai).

Kê khai doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thương mại điện tử: trên các sàn thương mại điện tử, trên các Ap bán hàng, trên các trang mạng xã hội, …. Cùng với doanh thu của hoạt động kinh doanh truyền thống của Hộ kinh doanh.

a. Hồ sơ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai quy định tại điểm 8.2 Phụ lục I - Danh mục hồ sơ khai thuế ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

b. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế

- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai theo tháng chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.

- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai theo quý chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu quý tiếp theo liền kề quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
Tiêu chí khai thuế theo quý đối với thuế GTGT và thuế TNCN (khai trọn năm):
Hộ kinh doanh có doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống thì được khai thuế theo quý, mới ra kinh doanh thì được lựa chọn khai thuế theo quý

2/ Đối cá nhân có đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế theo phương pháp khoán. (Hộ kinh doanh nộp thuế khoán).

a. Hồ sơ khai thuế
- Hồ sơ khai thuế đối với hộ khoán theo quy định tại điểm 8.1 Phụ lục I - Danh mục hồ sơ khai thuế ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ là Tờ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC .

- Trường hợp hộ khoán sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng lần phát sinh, khi khai thuế đối với DT trên hóa đơn lẻ thì hộ khoán khai thuế theo từng lần phát sinh và sử dụng Tờ khai thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC đồng thời xuất trình, nộp kèm theo hồ sơ khai thuế các tài liệu sau:
+ Bản sao hợp đồng kinh tế cung cấp hàng hóa, dịch vụ cùng ngành nghề với hoạt động kinh doanh của hộ khoán;
+ Bản sao biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng;
+ Bản sao tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ

b. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế

- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ khoán chậm nhất là ngày 15 tháng 12 năm trước liền kề năm tính thuế.

- Trường hợp hộ khoán mới ra kinh doanh (bao gồm hộ kê khai chuyển đổi sang phương pháp khoán), hoặc hộ khoán chuyển đổi sang phương pháp kê khai, hoặc hộ khoán thay đổi ngành nghề, hoặc hộ khoán thay đổi quy mô kinh doanh trong năm thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của hộ khoán chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày bắt đầu kinh doanh, hoặc chuyển đổi phương pháp tính thuế, hoặc thay đổi ngành nghề, hoặc thay đổi quy mô kinh doanh.

- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với trường hợp hộ khoán có sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng lần phát sinh chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh doanh thu có yêu cầu sử dụng hóa đơn.

c. Gửi thông báo thuế và thời hạn nộp thuế

- Cơ quan thuế gửi Thông báo nộp tiền theo mẫu số 01/TB-CNKD ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP cùng với Báng công khai theo mẫu số 01/CKTT-CNKD ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC tới hộ khoán chậm nhất là ngày 20 tháng 01 hằng năm.

Trường hợp hộ khoán mới ra kinh doanh thì cơ quan thuế gửi Thông báo nộp tiền mẫu số 01/TB-CNKD ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP cho hộ khoán chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo tháng có phát sinh tiền thuế phải nộp.

- Căn cứ Thông báo nộp tiền, hộ khoán nộp tiền thuế theo thời hạn trên Thông báo nộp tiền mẫu số 01/TB-CNKD ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP (cuối cùng của tháng, mới ra kinh doanh cuối cùng của tháng tiếp theo).

- Trường hợp hộ khoán có sử dụng hóa đơn cấp, bán lẻ theo từng lần phát sinh của cơ quan thuế thì thời hạn nộp thuế đối với doanh thu trên hóa đơn là thời hạn khai thuế.

d. Xác định doanh thu và mức thuế khoán

- Doanh thu và mức thuế khoán được tính theo năm dương lịch

- Hộ khoán tự xác định doanh thu tính thuế khoán trong năm (bao gồm cả doanh thu kinh doanh thương mại điện tử) trên Tờ khai thuế theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC. Trường hợp hộ khoán không xác định được doanh thu khoán, không nộp hồ sơ khai thuế hoặc doanh thu tính thuế khoán xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu và xác định mức thuế khoán theo quy định tại Điều 51 Luật Quản lý thuế.

- Căn cứ hồ sơ khai thuế của hộ khoán và cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để lấy ý kiến công khai, tham vấn ý kiến của Hội đồng tư vấn thuế và làm cơ sở cho cơ quan Thuế chỉ đạo, rà soát việc lập Sổ bộ thuế.

e. Điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán

Hộ khoán thay đổi quy mô kinh doanh (diện tích kinh doanh, lao động sử dụng, doanh thu) thì phải khai điều chỉnh, bổ sung Tờ khai thuế theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC .

Cơ quan thuế căn cứ hồ sơ khai thuế của hộ khoán, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế nếu xác định doanh thu khoán thay đổi từ 50% trở lên so với doanh thu đã khoán thì ban hành Thông báo mẫu số 01/TB-CNKD về việc điều chỉnh mức thuế khoán kể từ thời điểm có thay đổi trong năm tính thuế.

Trường hợp cơ quan thuế qua xác minh phát hiện hộ, cá nhân kinh doanh có phát sinh doanh thu năm (bao gồm cả doanh thu hoạt động kinh doanh thương mại điện tử) vượt quá 50% doanh thu khoán thì yêu cầu hộ kinh doanh tự kê khai điều chỉnh doanh thu của năm đó. Nếu không tự điều chỉnh thì cơ quan thuế xử lý truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính về thuế

 

3/ Đối với cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

a. Đăng ký thuế để được cấp mã số thuế:
a.1) Hồ sơ khai đăng ký thuế bao gồm:

- Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 03-ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế hoặc hồ sơ khai thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
- Bản sao Thẻ căn cước công dân hoặc bản sao Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực đối với cá nhân là người có quốc tịch Việt Nam; bản sao Hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân là người có quốc tịch nước ngoài hoặc cá nhân là người có quốc tịch Việt Nam sinh sống tại nước ngoài.
a.2) Nơi nộp hồ sơ đăng ký thuế:
Tại Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực nơi đặt địa điểm kinh doanh. Đối với cá nhân kinh doanh thương mại điện tử là nơi cá nhân cư trú (thường trú hoặc tạm trú)
b. Kê khai thuế:
Cá nhân thực hiện kê khai thuế theo từng lần phát sinh doanh thu.
b.1) Hồ sơ khai thuế bao gồm:
- Tờ khai thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh theo mẫu số 01/CNKD theo Thông tư 40/2021/TT-BTC ;
- Bản sao tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa (nếu là kinh doanh hàng hóa)
b.2) Nơi nộp hồ sơ khai thuế:
Nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế quản lý trực tiếp nơi cá nhân cư trú (thường trú hoặc tạm trú)
b.3) Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh DT.
b.4) Thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót.

4/ Đối với cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có phát sinh thu nhập từ nước ngoài, (phát sinh thu nhập từ dịch vụ quảng cáo cho Google, Apple, Fabook, Tictok,..).

Nếu có phát sinh thu nhập trên 100 triệu đồng/năm thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, thuế TNCN.
Số thuế GTGT, số thuế TNCN phải nộp được xác định theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 40/2021/TT-BTC , cụ thể:
- Số thuế GTGT phải nộp = Thu nhập x 5 %.
- Số thuế TNCN phải nộp = Thu nhập x 2 %.

a. Đăng ký thuế:
- Trường hợp cá nhân cư trú có phát sinh thu nhập từ nước ngoài đã có giấy chứng nhận đăng ký KD, đã được cấp mã số thuế thì sử dụng mã số thuế theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để thực hiện kê khai nộp thuế.
- Trường hợp cá nhân cư trú có phát sinh thu nhập từ nước ngoài không có giấy chứng nhận đăng ký KD, mã số thuế thì thực hiện đăng ký thuê theo quy định tại điểm a khoản 8 Điều 7 Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế.
b. Hồ sơ khai thuế:
Cá nhân thực hiện kê khai thuế theo từng lần phát sinh doanh thu. Hồ sơ khai thuế là Tờ khai thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh theo mẫu số 01/CNKD theo Thông tư 40/2021/TT-BTC ;
c. Nơi nộp hồ sơ khai thuế:
Nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế quản lý trực tiếp nơi cá nhân cư trú (thường trú hoặc tạm trú)
d. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.
e. Thời hạn nộp thuế
Thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót.
Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh thông báo đến các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh biết để thực hiện./.

 


Tải file pdf công văn 15769 về việc hướng dẫn chế độ thuế và quản lý thuế tại đây:

Đại lý thuế E-TAX nhận mở mã số thuế cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, hướng dẫn khai thuế khi bán hàng hoá trên sàn thương mại điện tử liên hệ zalo 0971388296  Mr Lê để được hỗ trợ tư vấn 

Trụ sở: 89 Nguyễn Nguyễn Văn Thủ, P. Đa Kao, Quận 1, Hồ Chí Minh

Chi Nhánh: 36/54 đường TX 24, P. Thạnh Xuân, Q.12

Điện thoại: 0971 388 296 - 0968 11 69 69

Email: ketoanetax@gmail.com


(*) Xem thêm

Bình luận
0